Sự Lựa Trọn Cho Người Thảo Tin

Ads

Breaking

CUC DIỆN 2023: Vụ Putin Xâm Lược Ukraine, Một Năm Sau (230225)

 CUC DIỆN 2023

Vụ Putin Xâm Lược Ukraine, Một Năm Sau (230225)
Xin được mở đầu với phần bối cảnh của một bài khá dài:

Hình bên của Institute for the Study of War về chiến sự tính đến ngày 25 Tháng Hai, 2023


Việc Vladimir Putin ra lệnh tấn công Ukraine có thể là biến cố bất ngờ cho thế giới: nhiều người biết thực lực Liên bang Nga lẫn bản chất tính toán của Putin, vốn là cựu sĩ quan mật vụ có lắm thông tin, lại thấu hiểu các nan đề trong nội bộ nước Nga sau 20 năm lãnh đạo. Nhưng chuyện bất ngờ vẫn bùng nổ ngày 24 Tháng Hai 2022.
Khi đó, căn cứ trên tương quan lực lượng đôi bên, thế giới dự đoán cuộc chiến Ukraine sẽ mau kết thúc vì Ukraine khó cầm cự được lâu. Phía Nga cho biết sẽ đại thắng nội trong vài ngày. Có thể vì Putin muốn răn đe lãnh đạo Ukraine để xứ này khỏi ngả theo phe Tây phương mà gia nhập khối Âu Châu. Điều bất ngờ là quân, dân và lãnh đạo Ukraine lại quyết liệt chiến đấu và còn gây khá nhiều tổn thất cho quân xâm lược.
Một năm sau, chúng ta nghĩ sao về cuộc chiến này?
1/ Trước hết, tại sao người ta tưởng vụ Nga xâm lược Ukraine là có thể, mà khó xảy ra? Ngày 22 Tháng Hai 2022, khi Putin đề cập tới nhiều chuyện, trừ việc muốn đánh để thay thế lãnh đạo Ukraine, lại càng gây ngạc nhiên! Những gì xảy ra suốt năm qua làm ta nhớ lại sự việc, kể cả bài tuyên truyền lếu láo tung ra từ Tháng Bảy, 2022: “về thực tế, Ukraine không là một quốc gia đúng nghĩa”! Ai cũng biết Putin đòi “rửa nhục” sau khi Liên bang Xô viết tan rã, nhưng rửa bằng máu ư khi tấn công một nước có 40 triệu dân và đã dự bị 700 ngàn quân để kháng cự? Sau đó, thiên hạ có gần bốn tháng theo dõi việc Putin sửa soạn tấn công, cho nên hết còn yếu tố bất ngờ nữa.
2/ Sau đó, thiên hạ mới biết Putin có kế hoạch ly gián nội bộ Ukraine để vừa ra quân đã làm chế độ Kyiv (tránh viết theo tên cũ bằng tiếng Nga là Kiev) lập tức tan rã, lưu vong, rồi có tay chân thân Nga vào quản lý các lãnh vực chính trị, an ninh, hành chánh. Kết cuộc thì chỉ có chuyện đó ở vài nơi, mà không làm thay đổi tình hình. Hóa ra Putin mắc chứng vĩ cuồng về chủ nghĩa dân tộc Nga. Lại tự mê sau 20 năm lãnh đạo tuyệt đối, mà nét gian hùng vẫn khó xóa nổi thực lực về tâm lý lẫn vật chất: đâm ra kẻ bị bất ngờ chính là Putin…
3/ Trong cả năm, cuộc chiến trải qua ba giai đoạn. Ban đầu, quân Nga không vào nổi thủ đô Kyiv và chiến sự bùng nổ tại khu vực miền Đông gần Kherson, Donbass và Kharkiv. Qua Tháng Tám, Ukraine ổn định xong quân ngũ và tiến hành phản công, thắng tại Kharkiv mà chưa giải phóng nổi vùng Kherson. Vài tháng sau, tới lượt Nga động viên và huấn luyện binh lính: giữ được chiến trường đến cuối năm 2022 thì sẽ lại tấn công nữa.
4/ Nhìn lại sự thể ta thấy đôi bên đều có vấn đề giữa lãnh đạo với quân đội. Chính quyền Ukraine chỉnh đốn tổ chức quân sự khi có triệu chứng tham nhũng trong dàn phòng thủ. Phía Nga lại nhiêu khê hơn vì sự phân hóa giữa quân chính quy và đám Wagner đánh thuê, giữa bộ Quốc Phòng và Tổng tham mưu! Dù mọi cuộc chiến đều có mâu thuẫn giữa các cơ chế như thế, Nga cố tiếp tục, ít ra chiếm vùng Donbass lỡ tuyên bố là của mình. Nhưng cuộc chiến là sinh tử cho sự tồn vong của Ukraine, nên Kyiv chống cự đến cùng. Nếu vậy, sự thể sắp tới sẽ là những gì? Ta cố tỉnh táo dự đoán và tránh cảm quan yêu ghét!
5/ Trước hết là giác độ bi quan: Nga chuẩn bị đợt tấn công mới là gọng kìm Bắc-Nam, Ukraine sẽ chống đỡ ra sao? Năm qua, Ukraine kháng cự hào hùng hơn mọi dự báo, nhưng các cường quốc lại “trường vốn” nên Nga chịu đựng nổi tổn thất và cố chơi cạn láng (thuật ngữ cờ bạc!): tranh thủ vùng ‘ngoại vi’ Belarus, Moldovia và cả Romania để bao vây. (Do đó Mỹ và Âu Châu đều thủ sẵn: Mỹ bảo kiều dân rời khỏi Nga, khối Âu Châu lệnh cho công dân tránh Belarus). Đây hết là dự báo!
6/ Nhưng nếu Nga chi phối nổi Belarus và Moldovia để có ngả khuynh đảo Ba Lan và Romania thì khối Âu Mỹ làm gì? Nhiều phần, Âu Châu chờ phản ứng Mỹ khi Nga mở rộng cuộc chiến quanh Ukraine nhằm mặc cả, trả giá! Đấy là kịch bản ‘Chiến Tranh Lạnh Mới” khiến Tây phương phải bỏ rơi Ukraine. Như vậy, vì khó thắng nổi Ukraine, Putin dốc toàn lực tìm trật tự mới tại miền Đông Âu Châu với rủi ro là Thế Chiến III? Ai cũng đoán khối tiên tiến trù phú đều sợ chết hơn bọn cùng đinh khố rách, cho nên đành hy sinh Ukraine?
7/ Nhưng trái lại, Putin đổ liều tấn công Ukraine thì vẫn có thể lại tính sai! Mỹ đã đoán trước sự thể (có lẽ ta chưa biết!) nên sẽ đổ quân vào Ukraine, việc hơi khó cho Chính quyền Biden. Hoặc gây phản ứng lưỡng đảng, với sự sốt sắng hơn của phe tự cô lập bên Cộng Hòa, để quân viện nhiều hơn cho Ukraine. Máu Ukraine chảy với tiền Mỹ, còn hơn Mỹ lâm chiến, vì ít rủi ro và tốn kém hơn. Trong cả hai Thế Chiến, Hoa Kỳ vẫn có thói nhập trận rất chậm như vậy. Âu Châu đã học bài mà lần này chiến cuộc lại xảy ra trên lãnh thổ mình nên sẽ bớt do dự. Bề nào, lá chắn Minh ước NATO với sức mạnh Hoa Kỳ vẫn còn đó, và lợi thế là lật tẩy Putin để họ khỏi lao vào đại chiến! Ai có thể đoán ra được các kịch bản đó cho sau này?
Hơn ngàn chữ rồi, xin kết luận tạm (còn nhức đầu hơn!):
- Xưa nay, Mỹ sẵn sàng ngăn chặn việc Liên Xô (và Nga) xâm lấn Âu Châu, và cố chia sẻ tâm lý chống Nga với khối Âu Châu. Vì vậy, lần này Mỹ chi viện hơn 50 tỷ đô la cho Ukraine, quá nửa là quân viện. Mỹ chỉ tránh đổ quân nhập trận, mà vẫn giúp thành viên Đông Âu của NATO giữ ví trí “hậu phương” cho Ukraine. Mỹ không muốn lao vào một cuộc chiến bất tận nhưng vẫn giữ thế mạnh khi cần nói chuyện phải quấy với Putin, khi nào cần đàm phán.
- Giữa cơn mộng du, Âu Châu bị Putin đá vào mặt! Và Putin hộc máu thấy vụ Ukraine không gây chia rẽ mà lại làm khối Âu Châu, nhất là Đức, sát cánh với nhau hơn xưa. NATO còn có thêm Phần Lan và Thụy Điển sẵn sàng gia nhập. Sự đoàn kết đó tùy vào a) chiều dài cuộc chiến và b) sự lệ thuộc của Âu Châu vào năng lượng Nga. Nhưng, họ lại có nguồn năng lượng thay thế từ Bắc Phi. Nếu Mỹ khéo xử thì kéo dài được sự đoàn kết đó trước khi Ba Lan, Áo và Hung nổi đóa với nhau - và với thủ phủ Brussels của Âu Châu!
- Trung Cộng thì gần Nga trong lập trường chống Mỹ, mà chỉ có vậy thôi! Chẳng ai đồng ý với đề nghị hòa giải gồm 12 điểm hàm hồ của Bắc Kinh. Ưu tiên của lãnh đạo Bắc Kinh là chính mình nên họ khéo nói hơn làm: phản đối Âu-Mỹ chứ biết Nga cần khách hàng và đầu tư của họ khi bị thế giới cấm vận. Vụ Ukraine xảy ra lúc họ ve vuốt lãnh đạo Mỹ được “chăm bón” từ lâu! Sự thật thì Hoa Kỳ là đối thủ về sau, chứ nay vẫn là bạn hàng và nguồn đầu tư số một vào Hoa lục. Nếu Mỹ ngu và tham thì ráng chịu….
Bài đã quá dài nên xin tạm ngưng, một kỳ sau sẽ nhìn vào nội tình Nga, số phận của Putin và lập trường của nhiều nước về cuộc chiến này…

No comments:

Post a Comment